Digital Marketing hay còn gọi là tiếp thị kĩ thuật số. Đây có thể hiểu là các hoạt động quảng bá cho sản phẩm/ thương hiệu nhằm tác động đến nhận thức khách hàng, kích thích hành vi mua hàng của họ. Nói dễ hiểu, Digital Marketing là các hoạt động tiếp thị sử dụng một hoặc nhiều phương tiện kĩ thuật số trên Internet.
Bài viết là khá dài được Dịch vụ truyền thông trực tuyến ở Quảng Ngãi PVonline tổng hợp từ nhiều nguồn với nhiều kiến thức hay và bổ ích, các bạn cố gắng đọc hết nhé.
Một xu hướng không thể chối bỏ là digital marketing ngày càng một quan trọng trong chiến lược quảng cáo của các công ty, tổ chức dù lớn hay nhỏ. Chúng ta hãy cùng xem một vòng trên các trang tuyển dụng nhân sự có thể thấy hàng trăm việc làm bên mảng digital marketing đang được đăng tuyển bởi rất nhiều công ty khác nhau.
Không chỉ là về mặt nhân sự, ngay cả thị trường cũng có những chuyển đổi với sự xuất hiện của ngày càng nhiều công ty tham gia vào mảng digital marketing mà trong số đó có nhiều công ty trước đây là chuyện về quảng cáo truyền thống. Đa phần họ là các công ty chuyên về event, sự kiện, TVC, billboard quảng cáo, in ấn nhưng nay mở rộng ra cả các mảng về digital marketing.
Điều này cũng dẫn đến sự chuyển dịch về nhân sự từ bên mảng marketing truyền thống sang mảng digital marketing trong khoản thời gian gần đây. Ngày càng có nhiều người vốn trước đây làm về mảng branding, event, execution muốn tìm hiểu thêm hoặc chuyển hẳn qua digital marketing vì họ cảm thấy được sự phát triển của mảng này và xem đó là cơ hội để mở rộng thêm kiến thức hoặc cơ hội nghề nghiệp mới.
Cho dù bạn là một trong số các marketers truyền thống hay bạn là người mới hoàn toàn đang muốn tìm hiểu và đi sâu hơn về mảng Digital này thì bạn nên biết là sẽ có những khó khăn gì và nên ứng phó thế nào để có thể làm tốt hơn. Dưới đây là một số câu hỏi mà tôi thường gặp nhất và lời khuyên của tôi cho các câu hỏi này, hi vọng sẽ hữu ích cho bạn mới bước chân vào mảng Digital Marketing.
Bắt đầu từ đâu?
Digital Marketing là một mảng rất rộng với rất nhiều kênh khác nhau. Đối với một người mới thì tôi khuyên là trước tiên bạn nên có một cái nhìn tổng quan về tất cả các kênh mà Digital hiện đang có và từng kênh đó là làm gì, mục đích là gì? Bạn có thể tham khảo bài viết tổng quan về Digital Marketing là gì? để tham khảo thêm. Sau khi đã có một kiến thức tổng quan, lúc này bạn có thể chọn một mảng để tập trung vào trước và sau đó dần dần mở rộng ra các mảng liên quan. Ví dụ bạn có thể bắt đầu với SEO, sau đó khi đã có kiến thức nền đủ thì tiếp tục tìm hiểu thêm về SEM, sau đó có thể bắt đầu qua đến Content Marketing sau đó qua Social Marketing, v.v…
Tôi nên tập trung một mảng hay biết tất cả?
Đương nhiên bạn có thể tập trung ở một kênh và trở thành chuyên gia trong kênh đó nếu bạn muốn nhưng không thể vì vậy mà bạn bỏ qua việc tìm hiểu các kênh khác, vì:
- Biết thêm về các kênh khác sẽ giúp bạn làm tốt hơn cho kênh mà mình đang đảm nhận, ví dụ nếu bạn có hiểu biết về Content Marketing thì bạn có thể vận dụng kênh này để tạo nội dung tốt hơn và làm SEO tốt hơn.
- Các công ty hiện đang cần những người có thể đảm trách cùng lúc nhiều việc ví dụ bạn thấy nhiều công việc đòi hỏi bạn phải biết cách chạy quảng cáo Adwords, Facebook và đồng thời lại phải biết cách tối ưu hóa website.
- Integrated marketing (marketing tổng hợp) là xu hướng tất yếu, bạn làm tốt được kênh quảng cáo của mình là tốt nhưng bước tiếp theo là bạn cần làm sao để có thể kết hợp các kênh quảng cáo với nhau (ví dụ kết hợp SEO và SEM) để tạo ra hiệu quả tốt hơn.
Digital marketing có đòi hỏi nhiều về kỹ thuật?
Bạn không cần phải biết lập trình hoặc coding thì mới có thể làm được Digital Marketing (tuy nhiên, nếu biết thì đó là một lợi thế) nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ phải tìm hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản về công nghệ và những thuật ngữ trong ngành. Nếu bạn không biết các CMS như WordPress, Magento, Joomla là gì, hoặc các thuật ngữ như ad network, display ads, paid search, cpm, cpc, cpa có ý nghĩa sao thì bạn biết là mình còn cần phải học nhiều đấy.
Cái thời mà bạn có thể làm ngơ với công nghệ đã đến lúc kết thúc, hãy bắt đầu tiến trình xóa mù về công nghệ cho bản thân mình.
Digital marketing sao cần phân tích nhiều đến vậy?
Không giống như marketing truyền thống, Digital Marketing có những công cụ và cách thức để có thể đo lường một cách sát sao hơn các hoạt động của các kênh. Và chắc chắn một điều rằng một phần thời gian của bạn khi làm Digital Marketing là sẽ vùi đầu vào các con số và đưa ra các kết luận về mức độ hiệu quả của các chiến dịch chạy cho mỗi campaigns.
Dựa trên các kết luận đó bạn sẽ phải tìm ra những cách để cải thiện và tối ưu hóa hiệu quả của quảng cáo. Và cũng như các kênh quảng cáo khác, khi bạn dùng tiền của công ty để quảng cáo thì bạn sẽ phải phải giải trình về tính hiệu quả và kết quả thu được từ các kênh này. Do đó hãy bắt đầu tập làm quen với việc phân tích và nhìn ngắm các con số. Đọc thêm về các công cụ phân tích và A/B testing.
Phân biệt giữa Digital Marketing và Online Marketing?
Tiếp thị trực tuyến (Online Marketing) và tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) là các thuật ngữ thường bị nhầm lẫn với nhau và thường hay lạm dụng trong việc gọi tên chúng. Tôi thấy khá nhiều bạn làm việc trong ngành công nghiệp tiếp thị quảng cáo nhưng đôi lúc cũng phân vân là họ làm trong mảng digital hay online!?!
Nghe thì có vẻ rất là bình thường, thậm chí không quan trọng nhưng biết sự khác nhau thì đâu đó có thể giúp chúng ta khá nhiều như:
– Chọn kênh chính xác và hỗ trợ hình thành chiến lược tiếp thị tổng thể.
– Nó cũng có thể giúp phân tích chiến lược hiện tại bằng cách phân loại trong đó loại hình tiếp thị nào, kênh nào đang lãng phí công sức tiền của. Để biết được tiền của công sức chúng ta bỏ ra sẽ mang lại kết quả nhất quán, bền vững lâu dài hay đơn giản là đổ sông đổ bể.
Tiếp thị Kỹ thuật số (Digital Marketing):
một thuật ngữ rộng mang tính bao quát
Khi nhắc đến Digital marketing là bạn nói đến việc sử dụng các kênh kỹ thuật số bao gồm thiết bị và nền tảng (không quan tâm chúng có trực tuyến hay không) để xây dựng hoặc quảng bá, truyền tải thông điệp tiếp thị của bạn đến người dùng.
Nói cách khác, với Digital Marketing thì không giới hạn trong việc chỉ sử dụng internet, mà theo cách này Digital Marketing có thể được xem như một thuật ngữ mang tính bao quát hơn vì nó bao gồm rất rộng nhiều kỹ thuật tiếp thị.
Ví dụ: bạn muốn chạy chiến dịch SMS marketing trên điện thoại di động để gửi tới khách hàng các chương trình khuyến mãi sắp tới từ doanh nghiệp của bạn, thì công nghệ được sử dụng để tạo và gửi tin nhắn tự động, nhưng người dùng không cần kết nối Internet để có thể nhận được SMS.
Tóm lại: Bất kỳ cái gì hoạt động dưới dạng nền tảng kỹ thuật số đều có thể coi là Digital Marketing, có thể liệt kê ra vài trường hợp như: Email, E-book, Games, Content, Video, Mobile Marketing, Quảng cáo TV, Digital OOH …v.v…
Tiếp thị Trực tuyến (Online Marketing):
nhận biết ngay hành động khi tương tác
Online Marketing (Tiếp thị Trực tuyến) còn được gọi là tiếp thị internet là một tập hợp con của Digital Marketing. Các đặc điểm chính của Online Marketing là để có thể thực hiện được thì nó đòi hỏi kết nối internet.
Ví dụ: nếu chúng ta thực hiện một chiến dịch CPC/PPC (pay per click) hoặc quảng cáo hiển thị hình ảnh trên một trang web (Display Ads) cho doanh nghiệp hay thương hiệu nào đó thì chúng ta đang thực hiện một hình thức của Online Marketing.
Cũng giống như Digital Marketing, Online Marketing được phát triển cùng với công nghệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng Online Marketing đang phát triển & đổi mới quá nhanh (từng ngày, từng giờ) để rất khó có người có thể nắm bắt kịp mọi thứ. Ngoài ra, với một người mới thì Online Marketing có vẻ hào nhoáng, áp đảo hơn vì hiện nay ai cũng nhắc tới nó và dễ dàng để có thể tiếp cận, đây cũng là một trong những lý do chính gây ra sự nhầm lẫn rằng Digital Marketing & Online Marketing chính là một.
Liệt kê một vài trường hợp hoặc hành động thuộc về Online Marketing như: Website, SEO, SEM, Display Ads (quảng cáo hiển thị), Social Media, …v.v…
Nên dùng Digital Marketing hay Online Marketing thì tốt nhất?
Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay sẽ luôn cố gắng thực hiện hành động tiếp thị kỹ thuật số nào đó, điều đó là rất tốt nhưng không đủ. Để lập và thực hiện kế hoạch tiếp thị tốt thì còn cần phải tìm hiểu nhiều vấn đề khác nhau, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, ngân sách, mục tiêu, đối tượng khách hàng …v.v… Tuy nhiên bạn nên sử dụng dữ liệu để hỗ trợ đưa ra các quyết định tốt nhất.
Vì lý do này, lời khuyên là chúng ta nên sử dụng ít nhất một hình thức tiếp thị trực tuyến để hưởng lợi từ dữ liệu có thể thu thập được từ chúng, và cũng là để đo lường kết quả mà những nỗ lực của bạn mang lại.
Ví dụ như dùng Google Analytics chẳng hạn nếu như bạn thực hiện chiến dịch PPC, và hãy thêm vào việc theo dõi chuyển đổi. Và xem chính xác ngân sách của bạn đang được chi cho cái gì và phân tích để xem là với những kết quả thu được thì ngân sách đã được chi một cách hợp lý & hiệu quả hay không.
Sự khác biệt có thực sự quan trọng không?
Có một sự thật là, sự khác biệt này không quá ảnh hưởng. Bài phân biệt Digital Marketing và Online Marketing này không phải để phân biệt đúng sai, mà nhằm để đạt mục đích quan trọng là bạn hiểu đúng được ý nghĩa của từng vấn đề và chọn kênh, phương tiện truyền thông, sử dụng các chiến thuật (tactics) một cách phù hợp khi xây dựng kế hoạch tiếp thị tổng thể.
Và điều quan trọng cần phải nhớ tiếp theo là: chiến lược hóa. Cho dù bạn dùng kênh, tactics, cách tiếp cận … như thế nào để làm tiếp thị thì vẫn luôn cần một kế hoạch, chiến lược rõ ràng cụ thể để thực hiện. Bạn muốn nhận được kết quả, mục tiêu như thế nào? Làm sao để kế hoạch đạt được kết quả mong muốn? Khách hàng là ai, ở đâu, thói quen là gì? Muốn tiếp cận để tăng nhận biết (awareness) hay muốn đạt kết quả sâu hơn và biết được số tiền đã đầu tư đạt mục đích gì? … Rất nhiều vấn đề.
Việc đặt ra các câu hỏi, những vấn đề & giải quyết chúng sẽ giúp có một kế hoạch hoặc chiến lược đúng đắn phù hợp, từ đó giúp chọn kênh, cách tiếp cận phù hợp & hiệu quả.
Tổng Hợp Công Cụ Hỗ Trợ Người Làm Digital Marketing nên biết
Người làm digital marketing vì tính chất công việc đa dạng của mình sẽ phải tương tác với rất nhiều kênh và thực hiện rất nhiều tác vụ khác nhau từ planning, research, execution cho tới report. Chúng ta cũng được đòi hỏi phải có sự năng động để có thể xử lý công việc bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Bài viết này hướng đến việc tổng hợp những công cụ, ứng dụng dành riêng cho các Digital Marketers nhằm giúp công việc của bạn linh động, dễ dàng và hiệu quả hơn.
Các công cụ này có thể là ứng dụng hay dịch vụ web, extension của trình duyệt, phần mềm hoặc ứng dụng di động (Android hay iOS). Một số công cụ thì hoàn toàn miễn phí (FREE), một số thì miễn phí nhưng sẽ giới hạn tính năng sử dụng trừ khi trả phí (FREEMIUM), một số thì phải trả phí mới được sử dụng (PREMIUM), một số thì phải trả phí nhưng có cho dùng thử (TRIAL)
* Các công cụ trong bài viết này được sắp xếp theo công dụng và tính năng, tuy nhiên đó có thể không phải là toàn bộ tính năng mà các công cụ này có, ngoài tính năng chính có thể còn có các tính năng phụ trợ thêm. Để biết chúng có tính năng chi tiết thế nào bạn có thể xem trực tiếp trên website của các công cụ này.
Công cụ hỗ trợ phân tích thị trường / đối thủ
Phân tích đối thủ và nghiên cứu thị trường là một trong những công việc quan trọng của người làm digital marketing dù cho bạn là bên client side hay agency site. Các công cụ trong phần này không chỉ giúp bạn phân tích đối thủ mà còn còn thể dùng phân tích các khách hàng tiềm năng nhằm chuẩn bị tốt hơn trong quá trình gặp gỡ, liên hệ khách hàng.
1. Công cụ xếp hạng và phân tích traffic của website
Đây là các công cụ cho phép người dùng có thể xem được một website hiện đang có tình trạng traffic như thế nào, có bao nhiêu luợt truy cập và các traffic đó đến từ nguồn nào. Các công cụ này dùng khi bạn cần nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh. Cần lưu ý là không có bất cứ dịch vụ nào có thể cung cấp cho bạn thông tin chính xác hoàn toàn về traffic của một website được do đó tất cả các thông tin này đều nên chỉ xem với tính chất tham khảo. Bên dưới là một số công cụ xếp hạng traffic của website:
- SimilarWeb
- 1PageRank
- Alexa
- TrafficEstimate
2. Công cụ nghiên cứu quảng cáo Paid Search
Các công cụ này cho phép bạn biết hiện nay một brand đang chạy quảng cáo cho các từ khóa nào trên các bộ máy tìm kiếm (Google, Yahoo, Bing) và nội dung quảng cáo mà họ sử dụng, landing page là gì và hiệu quả của các quảng cáo và chiến dịch đó ra sao. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các công cụ này chỉ hỗ trợ các từ khóa cho thị trường nước ngoài (Mỹ, Châu Âu) và chưa có nhiều thông tin cho thị trường nhỏ như Việt Nam.
- SpyFu
- iSpionage
- KeywordSpy
- Adgooroo
- Keyword Competitor
- The Search Monitor
- SEMRush
3. Công cụ nghiên cứu quảng cáo display
Các công cụ này cho phép bạn biết hiện nay một brand đang chạy quảng cáo trên các kênh quảng cáo display, ad network nào, hình ảnh họ sử dụng cho quảng cáo là gì, quảng cáo xuất hiện trên các website nào, vị trí nào và hiệu quả, độ dài chạy quảng cáo của các chiến dịch đó là bao lâu. Hiện tại theo tác giả biết thì chỉ có một công cụ dành riêng cho thị trường Việt Nam trong mảng này là iTracker (tuy nhiên cũng đã lâu rồi không thấy update), còn lại thì thấy chưa có nhiều hỗ trợ:
- iTracker.vn
- What Runs Where
- AdBeat
- Moat
- MixRank
4. Công cụ nghiên cứu quảng cáo trên Facebook
Các công cụ này cho bạn biết một brand hiện đang chạy quảng cáo gì trên Facebook, đang sử dụng nội dung quảng cáo nào, thiết kế nào và engagement, metrics của các ads đó ra sao.
- Social Ad Ninja
- Social Bakers
- Data Rank
Công cụ hỗ trợ Social Marketing
Mạng xã hội không cần bàn cãi là một kênh quảng cáo và tương tác hiệu quả với khách hàng, tuy nhiên với sự xuất hiện và phát triển của nhiều mạng xã hội khác nhau thật không dễ dàng để có thể quản lý hết tất cả các mạng xã hội một cách dễ dàng về cả mặt nội dung lẫn quảng cáo, branding, PR. Các công cụ trong phần này sẽ hỗ trợ người làm digital marketing có thể vận dụng mạng xã hội như một channel hiệu quả hơn.
1. Công cụ quản lý mạng xã hội
Các công cụ này còn được gọi là social management platform, hỗ trợ Digital Marketers trong việc quản lý nhiều tài khoản mạng xã hội cùng lúc bằng cách cho phép lên lịch các nội dung cần đăng tải, giao tiếp với followers, và quản lý nội dung trên một giao diện rõ ràng trực quan. Một số công cụ được biết đến nhiều nhất như:
- Hootsuite
- Buffer
- SproutSocial
2. Công cụ theo dõi mạng xã hội
Các công cụ social monitoring tools này cho phép các digital marketers có thể biết được thương hiệu của mình được nhắc đến ở đâu, bởi ai trên các mạng xã hội, các diễn đàn, các website, blogs. Một số ít công cụ còn hỗ trợ theo dõi việc nhắc đến các thương hiệu trên các phương tiện offline như báo giấy.
Các công cụ này còn hỗ trợ việc phân tích ngôn ngữ để đánh giá xem các lần được nhắc đến đó mang tính tích cực hay tiêu cực và cung cấp các report sâu hơn về hành vi người dùng cho nhãn hàng. Có rất nhiều công cụ social monitoring tool khác nhau nhưng dưới đây là một số các công cụ hiện đang có mặt tại Việt Nam và có hỗ trợ ngôn ngữ Việt:
- YouNet
- BuzzMetrics
- iSentia
- Boomerang
- SocialOne
- TracX
- Google Alerts
Công cụ đo lường, phân tích và A/B testing
Đo lường và phân tích traffic vào website, nghiên cứu tương tác của khách hàng trên website, đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo và dựa trên đó để đưa ra những quyết định nhằm tối ưu hóa là công việc thường trực của người làm digital marketing. Và để làm được việc này chúng ta cần những công cụ đo lường và phân tích tốt nhất cũng như hỗ trợ việc A/B testing. Dưới đây là một số công cụ dành cho việc này:
1. Công cụ đo lường, phân tích
Google Analytics là công cụ đo lường và phân tích phổ biến nhất hiện nay và chắc hẳn ai cũng biết. Được cập nhật thường xuyên, có nhiều tính năng và gần như có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về phân tích thường nhật của bạn. Công cụ này hoàn toàn miễn phí để sử dụng trừ khi website của bạn vượt hơn 10 triệu sessions một tháng, lúc đó bạn có thể consider nâng cấp lên gói Premium với giá 150,000 USD / năm. Nếu có lý do gì đó bạn chưa hài lòng với Google Analytics hay muốn phân tích dưới một góc độ khác và tìm một giải pháp khác bên cạnh công cụ này thì bạn có thể xem tiếp bên dưới.
Piwik là công cụ đo lường dễ sử dụng, nhiều tính năng, mã nguồn mở và đang được phát triển thường xuyên. Điểm khác biệt có lẽ là Piwik sẽ đòi hỏi bạn phải có server, hosting và kiến thức kỹ thuật nếu muốn tự cài đặt công cụ này cho website chứ không phải chỉ là cài đặt 1 đoạn code như các công cụ khác. Tuy nhiên cũng không quá phức tạp hoặc bạn hoàn toàn có thể sử dụng gói Cloud cung cấp bởi Piwik để bỏ qua phần cài đặt. Điểm cộng? Toàn bộ data bạn thu thập là của bạn.
Clicky là một giải pháp đo lường khác cho website. Điểm nổi bật của Clicky là công cụ này cung cấp thông tin một cách real time, công cụ heatmap đi kèm hữu dụng, tính năng up time monitor giúp bạn biết ngay khi nào website có vấn đề và đo lường traffic cho video là một phần trong số những tiện ích đi kèm.
KISSmetrics cũng là một công cụ đo lường và phân tích nhưng khác với Google Analytics vốn dựa trên sessions, pageviews thì công cụ này dựa trên events, tức là những tương tác người dùng thực hiện trên website và ai là người thực hiện. Một định hướng thú vị vì thật ra sự thật là sessions và pageviews không cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích để có những hành động nhằm cải thiện hiệu quả và conversion rate. KISSmetrics phù hợp cho những website bán hàng và dịch vụ và thích hợp cho những marketers không mạnh nhiều về kỹ thuật nhờ vào giao diện dễ sử dụng và thân thiện.
Mixpanel khá tương tự như KISSmetrics, cũng là một công cụ đo lường dựa trên events nhưng Mixpanel tập trung nhiều cho mobile và hướng nhiều về cho developers và các marketers biết nhiều về kỹ thuật để có thể tận dụng hết những tính năng của công cụ này như A/B testing, survey, push notification.
Appsflyer là công cụ đo lường phổ biến nhất dành cho các ứng dụng di động, giúp người dùng thấy được các thông tin về các lượt cài đặt, phân chia cho từng kênh, cũng như hành vi của người dùng bên trong apps.
2. Công cụ A/B testing
Các công cụ này giúp người làm digital marketing có thể dễ dàng tiến hành quy trình A/B testing để cải thiện conversion rate của website bằng cách tiến hành các thử nghiệm về UI / UX. Dưới đây là các công cụ A/B testing tốt mà bạn có thể thử qua:
- Visual Web Optimization
- Optimizely
- UnBounce
- Google Content Experiments
Công cụ hỗ trợ cải thiện website
Website là rất nhiều thứ, là bộ mặt của doanh nghiệp, là cánh cổng đón khách, là gian hàng trưng bày sản phẩm, là portfolio, là dịch vụ của bạn, v.v… Để có một website tốt thì không chỉ đòi hỏi phải có thiết kế đẹp, nội dung hấp dẫn mà còn cần thiết phải ổn định và cung cấp cho người dùng những trải nghiệm thoải mái. Những công cụ dưới đây có thể giúp người làm digital marketing tìm ra được những điểm còn cần cải thiện trên website để mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Webpagetest.org sẽ giúp analyze website mà bạn muốn và ghi nhận lại tốc độ load của từng file, từng yếu tố trên web và qua đó bạn có thể biết được những yếu tố nào đang kéo tốc độ load website của bạn chậm lại và cho bạn một báo cáo đầy đủ tất cả các thông tin này. Báo cáo cũng có kèm theo những gì bạn có thể điều chỉnh để cải thiện tốc độ website. Bạn cũng có thể export report này ra và download về.
Google Pagespeed Insights là công cụ web của Google để giúp người dùng có thể đo đạc và đánh giá được tốc độ load của 1 trang web theo thang điểm từ 0 – 100 (càng cao thì càng nhanh) dựa trên một số tiêu chí. Sau khi phân tích thì công cụ này sẽ cho bạn một số góp ý về cách làm thế nào để cải thiện tốc độ của web bằng cách tối ưu các tiêu chí được dùng để đánh giá ví dụ như kích thước hình ảnh, JavaScript, HTML, v.v… Google Pagespeed Insight không chỉ phân tích website phiên bản desktop mà còn cả phiên bản điện thoại. Với phiên bản điện thoại thì công cụ này sẽ đưa ra thêm nhận xét về trải nghiệm người dùng dựa trên các tiêu chí như thiết kế, kích cỡ chữ, kích cỡ nút bấm, vị trí giữa các nút bấm, cách sắp xếp các nội dung, v.v…
Google Mobile Friendly là công cụ web của Google để giúp người dùng có thể biết được rằng 1 website có tương thích với các thiết bị mobile hay không. Trang này cũng có bao gồm một số thông tin và hướng dẫn của Google về cách làm thế nào để trang web di động có thể trở nên thân thiện hơn với các bộ máy tìm kiếm. Các hướng dẫn này khá chi tiết và bao gồm phần lớn các CMS phổ biến cho thấy Google đặt nặng tầm quan trọng của việc tăng trải nghiệm người dùng web trên thiết bị di động như thế nào.
Structured Data Testing Tool là một phần của quy trình tối ưu hóa website nhằm giúp các bộ máy tìm kiếm xác định và phân loại các thông tin trên website của bạn một cách rõ ràng và nhờ đó index nội dung website của bạn một cách hiệu quả hơn. Nếu markup đúng cách thì đôi khi bộ máy tìm kiếm sẽ cho hiển thị thêm thông tin cho website của bạn khi xuất hiện trên kết quả tìm kiếm. Công cụ này của Google cho phép kiểm tra xem website của bạn đã có gắn các markup nào và nếu có sai sót thì sẽ thông báo là bị lỗi gì để bạn có thể chỉnh sửa.
Validator sẽ giúp bạn kiểm tra một website và tìm ra tất cả các lỗi về HTML/CSS, Javascript và sau đó ra một báo cáo cho bạn kèm với các gợi ý về việc cần làm gì để giải quyết các lỗi đó. Việc điều chỉnh và sửa tất cả các lỗi này sẽ giúp code website của bạn chuẩn hơn và tất nhiên là tốt hơn cho các bộ máy tìm kiếm trong quá trình crawl và index.
Mobiletest.me công cụ này cho phép bạn nhanh chóng kiểm tra và xem thử một website sẽ hiển thị thế nào trên các thiết bị di động khác nhau một cách nhanh chóng. Miễn phí thì bạn có thể xem thử trên một số thiết bị có sẵn. Nếu trả phí thì bạn có thể xem được trên rất nhiều thiết bị khác nhau với các chế độ khác nhau.
Google Tag Manager một website có thể sẽ phải gắn rất nhiều loại tag và code khác nhau cho nhiều tác vụ khác nhau như tracking, phân tích, quảng cáo và đôi khi một website có thể cùng một lúc gắn hàng chục tag và code như vậy. Việc gắn quá nhiều tag và code trên website mà không quản lý có thể khiến website bị chậm, giảm tốc độ load, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến việc bảo mật và thông tin. Google Tag Manager là công cụ được Google phát triển để quản lý tất cả các tag và code cho website trên một giao diện duy nhất và giúp cải thiện độ ổn định, tốc độ load web và trải nghiệm người dùng trên web.
W3Techs.com công cụ này cho phép kiểm tra về mặt kỹ thuật của webiste để biết hiện nay website đang sử dụng hosting nào, thông số kỹ thuật của server, framework là gì, CMS đang sử dụng, các plugin và code đang hiện diện trên website.
Công cụ hỗ trợ công việc hằng ngày
- Pablo cho phép người dùng có thể tự tạo những hình ảnh đẹp và hấp dẫn với nội dung text tự chọn không thua kém gì designer trong vòng chưa đến một phút. Nếu có lúc nào bạn cần phải có một nội dung để đưa lên Facebook nhưng designer lại đang không đi làm thì bạn nên thử Pablo.
- Uplevo tương tự như Buffer, Uplevo là một công cụ cho phép bạn có thể nhanh chóng và dễ dàng tạo các banners để đăng Facebook mà không cần phải biết Photoshop. Tính năng của Uplevo thì nhiều hơn và đa dạng hơn với nhiều mẫu template và hình ảnh cho người dùng lựa chọn và không chỉ thiết kế banner cho Facebook mà còn nhiều thứ hơn như logo, standee, website banner, v.v… Thú vị hơn là Uplevo là một sản phẩm được thực hiện bởi một team người Việt, nên nếu bạn thích sản phẩm cây nhà lá vườn thì nên thử qua Uplevo.
- Bitly là một link shortener, có thể rút gọn những đường link dài thành những đoạn link ngắn gọn phù hợp chia sẽ trên các mạng xã hội, cho mục đích branding (custom URL) hay sử dụng trong các hình thức quảng cáo bị giới hạn về độ dài nội dung, ví dụ như SMS, OTT. Các công cụ này không chỉ có tính năng rút gọn links mà còn có thể tracking số lượng clicks. Ngoài Bitly thì còn có Goo.gl, sử dụng đơn giản hơn, tuy nhiên khả năng tracking thì không bằng.
- URL đây là công cụ giúp bạn có thể nhanh chóng tạo ra các tracking code cho đường link của mình. Thường cần dùng khi bạn cần tạo tracking code để đo đạc traffic của các đường links thông qua Google Analytics khi chạy quảng cáo trên các kênh.
- Ghostery là một extension của browser cho phép người dùng thấy được trên website mà mình hiện đang truy cập có bao nhiêu tracking code đang được cài đặt, tracking code đó là gì. Người dùng còn có thể tùy chỉnh cho phép tracking code nào được quyền thu thập thông tin, hoặc không.
- Web Archive công cụ này cho phép bạn xem lại lịch sử tồn tại của bất cứ website nào dù cho hiện nay website đó đã ngưng tồn tại đi nữa. Hữu dụng nếu bạn muốn xem tiền sử của một domain hay website trước khi quyết định mua lại nó hoặc để đào bới những thông tin mà vốn không thể tìm thấy một cách thông thường nữa.
- Codeacademy là một dịch vụ cho phép người dùng có thể tự học các ngôn ngữ lập trình như HTML/CSS, Javascript, jQuery, PHP, Python, Ruby hoàn toàn miễn phí với giao diện trực quan, lý thuyết và thực hành đi chung. Nội dung bài học được thiết kế đơn giản và đi từng bước từ cơ bản để giúp người không biết gì vẫn có thể tự học được. Codeacademy cũng tự động lưu lại toàn bộ quá trình học và hoàn thành của bạn nên bạn có thể học bất cứ lúc nào và tạm dừng khi cần thiết và tiếp tục sau đó khi có thời gian. Codeacademy cũng có các khóa học về các tạo website thường, website tương tác, Command Line cũng như các khóa học về API của các bên thứ 3 và đương nhiên cũng hoàn toàn miễn phí.
- NerdyData Code Search như tên gọi của nó là một bộ máy tìm kiếm dành cho code, tức là thay vì index và cho phép người dùng tìm kiếm nội dung của trang web thì NerdyData lại index phần code của trang và cho phép người dùng search xem một đoạn code nào đó có tồn tại trên các website nào. Một ví dụ là nếu bạn copy và bỏ code Adsense publisher ID hay ID Google Analytics vào và bấm tìm kiếm thì nó sẽ hiện ra kết quả của tất cả những trang web đang có chứa nội dung code này. Công cụ này khá là hữu ích trong nhiều trường hợp chủ yếu là nghiên cứu, research và analytics:
– Bạn muốn tìm ra những website nào có chung chủ sở hữu hoặc thuộc một hệ thống nào đó.
– Bạn là chủ một hệ thống affiliate và bạn muốn biết những website nào đang có đăng tải banner của bạn.
– Bạn đang muốn tìm hiểu những website nào đang sử dụng công nghệ ads nào, công cụ tracking nào, sử dụng CMS nào, etc.
– Bạn làm SEO và muốn biết những website nào có chứa link tới website của bạn.
… và rất nhiều ứng dụng khác.
Ứng dụng trên di động
Là một người làm digital marketing chúng ta cần phải tiếp cận với các thông tin nhanh chóng và có khả năng phản ứng nhanh mọi lúc mọi nơi cho mọi công việc. Cùng với sự phát triển của smartphone, ngày nay gần như ai cũng đang mang trên mình một chiếc máy tính thu nhỏ mang tên điện thoại di động. Các ứng dụng di động dưới đây có thể là trợ thủ đắc lực giúp bạn giải quyết nhiều việc ngay cả khi không ngồi trước máy tính:
Google Analytics (Android) FREE / Google Analytics (iOS)
Google Analytics phiên bản di động giúp bạn có thể xem thông tin và tình hình về traffic trên website bất cứ khi nào bạn muốn một cách nhanh chóng. Ứng dụng di động sẽ chỉ tổng hợp và hiển thị các thông tin cơ bản chứ không có filter dimension để giúp bạn xem chi tiết hơn. Tuy nhiên các thông tin cơ bản là tương đối đầy đủ nếu bạn chỉ muốn kiểm tra nhanh. Điểm trừ là giao diện của ứng dụng này chưa thật sự tốt lắm.
gAnalytics (Android) FREE hay Quicklytics (iOS)
Nếu bạn không thích lắm giao diện của ứng dụng Google Analytics bởi Google thì gAnalytics (Android) hoặc Quicklytics (iOS) là lựa chọn phụ thêm cho bạn.
Facebook Pages Manager (Android) FREE / Facebook Pages Manager (iOS)
Với Facebook Pages Manager giờ bạn có thể quản lý tất cả các fan pages của mình ngay trên điện thoại. Bạn có thể post nội dung hoặc hình ảnh, trả lời các tin nhắn, xem các báo cáo người dùng và nhận thông báo về các hoạt động mới diện ra trên fan pages.
Adwords (Android)
Ứng dụng Adwords cho phép bạn có thể quản lý các chiến dịch quảng cáo Adwords bằng các xem các thông số, điều chỉnh mức giá bid, bật tắt các chiến dịch và nghiên cứu từ khóa ngay trên điện thoại của mình. Nếu bạn đang quản lý các chiến dịch Adwords với budget lớn và cần theo dõi thường xuyên thì đây là ứng dụng mà bạn luôn cần có trên điện thoại của mình.
Hootsuite (Android) FREEMIUM / Hootsuite (iOS)
Cũng như phiên bản web của nó, với Hootsuite bạn có thể quản lý nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, đăng tải các nội dung hoặc lên lịch để các nội dung đó được đăng lên tự động. Tương tự các công cụ như Buffer và Sproutsocial cũng có phiên bản ứng dụng mobile.
Tôi có nên đăng ký học một khóa Digital Marketing?
Việc đi học hay không là quyết định của bạn và cá nhân tôi cũng chưa bao giờ học qua bất cứ khóa học nào nên không thể đưa ra nhận xét đánh giá về chất lượng hay giới thiệu bất cứ bên nào.
Trước tiên hãy đọc, đọc và đọc. Nếu bạn có thời gian mỗi ngày 2 – 3 tiếng để lướt Facebook và đọc các tin tức lá cải thì bạn nên dành một phần thời gian đó cho việc đọc. Hãy tạo cho mình một thói quen đọc khoảng 30 phút đến 1 tiếng hằng ngày và bao phủ mình bởi những thông tin đó.
Hãy bắt đầu bookmark các trang web về chủ đề marketing, công nghệ, follow các group về Digital Marketing này hoặc các blog của những người nhiều kinh nghiệm trong ngành để đọc hằng ngày. Điều này sẽ giúp cho bạn luôn nắm được xu hướng của ngành, nắm được các thay đổi đang diễn ra và đồng thời mở rộng các hiểu biết của mình nhiều hơn.
Tiếp theo hãy đi tạo dựng mối quan hệ, gặp gỡ nhiều hơn những người đang làm chung ngành nghề. Ngoài những gì bạn có thể tự học, trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi từ chính những người đang làm trong ngành Digital Marketing là một cách rất tốt để giúp bạn theo kịp tình hình chung của thị trường và biết được những gì mới đang diễn ra.
Hãy luôn luôn tự mình tìm kiếm câu trả lời trước khi đặt câu hỏi. Nếu bạn thắc mắc về một vấn đề gì đó, hãy luôn tự tìm kiếm (trên Google) xem đã có những bài viết hay nội dung đề cập đến vấn đề đó chưa (99% là có) và hãy đọc nó trước. Nếu sau khi đọc xong mà vẫn chưa hiểu rõ vấn đề thì lúc này hãy đặt câu hỏi cho người khác.
Cuối cùng là hãy luôn sẵn sàng để học hỏi và tiếp nhận những thứ mới. Đừng cảm thấy nản khi đối diện với quá nhiều thứ không biết và đừng cảm thấy rối vì đơn giản ai lúc bắt đầu cũng vậy thôi. Hãy kiên nhẫn và học hỏi một cách đều đặn, hằng ngày và không ngừng nghỉ. Hãy luôn nghĩ rằng với bất cứ thứ gì bạn đang làm, bạn vẫn đều có thể học được những thứ mới và rút ra được những kinh nghiệm từ đó. Học hỏi không bao giờ có giới hạn.
Nếu bạn có những câu hỏi và thắc mắc khác, hãy đặt câu hỏi ngay tại bài viết này để được giải đáp.
Nếu bạn có những gì cần tìm hiểu và hỗ trợ về Digital Marketing, hãy liên hệ với người viết bài qua email (mediaphuc@gmail.com). Chúc các bạn tìm được định hướng phát triển của mình trong tương lai.
PVonline.vn tổng hợp từ nhiều nguồn